Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu
Cùng Phượt – Du khách có dịp đến với Mộc Châu một lần dù mùa hạ hay đông, ngày nắng trải vàng trên rừng mơ mùa xuân hay ngày đông sương mù trắng núi… đều có ấn tượng đẹp về vùng đất cao nguyên này. Mộc Châu nổi tiếng với các di tích lịch sử như động Sơn Mộc Hương, rừng thông, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông. Mỗi mùa bạn sẽ thấy Mộc Châu có một điểm thú vị khác nhau, tuy nhiên tựu chung lại khí hậu của Mộc Châu luôn luôn mát mẻ và là một điểm đến tuyệt vời vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Cùng Phượt xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm du lịch Mộc Châu mới nhất nhé.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Thanh.X Tran, Mèo Già, Huong Beo Photo, NQA – OngBom, break_away, Ngô Tất Đạt, * t h u y, Đỗ Việt Cường, thuykyanh, Minh Duc Nguyen, Phùng Chí Hiếu, Au Bui Van, Lân Nguyễn, Line_ Dancer, Line_ Dancer, Bảo Minh, Khoa Linh, Tạ Việt Hải, hachi8, Xóm Nhiếp Ảnh, Khánh Nguyễn, Sondautau, Tú Mán, ngoisao.net, B fansi, Phi Hoàn, Quốc Trung, Huyen Kaitou, Camatho, Le Huu Thuc, fucmr, vanbinh85 và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Nắng sớm trên cao nguyên Mộc Châu (Ảnh – Mèo Già) |
Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc, diện tích tự nhiên là 1.081,66 km2, chiếm 7,49% diện tích của tỉnh Sơn La, đứng thứ 8 trong số 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Huyện Mộc Châu có quốc lộ 6, quốc lộ 37 và quốc lộ 43 đi qua, có chung đường biên giới với Việt Nam – Lào dài 40,6 km.
Mộc Châu có cả bốn mùa rõ rệt, với đặc điểm nổi bật là vùng khí hậu cao nguyên ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình/năm khoảng 18-20ºC, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.500 – 1.600 mm và độ ẩm không khí trung bình 85%.
Tân Lập, Mộc Châu (Ảnh – Huong Beo Photo) |
Cao nguyên Mộc Châu diện tích rộng lớn với điều kiện khí hậu mát mẻ, có vị trí thuận lợi nên đủ gần để khách đến, đủ xa để khách ở lại; Hệ sinh thái đa dạng, trong đó đặt biệt là vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp (đồng cỏ, vườn hoa), khí hậu ôn hòa, với các điểm danh thắng Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa…
Hiện nay, Mộc Châu đang là một trong những điểm du lịch hot nhất của miền Bắc với hàng trăm nghìn lượt khách ghé thăm mỗi năm. Từ Hà Nội các bạn có thể đến Mộc Châu bằng phương tiện cá nhân với thời gian di chuyển khoảng từ 6-8 tiếng tùy vào điều kiện thời tiết.
Nên đi Mộc Châu vào thời gian nào?
Mộc Châu mùa hoa mận (Ảnh – cungphuot.info) |
Nếu chỉ muốn đi để thay đổi không khí thoát ra khỏi sự náo nhiệt ồn ào của phố phường bạn có thể đến với Mộc Châu vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, còn nếu bạn muốn ngắm những vẻ đẹp riêng của Mộc Châu thì hãy xem những gợi ý dưới đây của Cùng Phượt nhé.
Gợi ý thời gian đi Mộc Châu cho bạn
- Trước và ngay sau Tết Âm Lịch là mùa của hoa đào và hoa mận .
- Khoảng tháng 3 là thời gian hoa ban nở, ngoài ra ngày 26-3 có Lễ hội Hết Chá
- Đầu tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông.
- Tháng 11 là thời điểm hoa cải nở trắng các quả đồi
- Tháng 12 là mùa của dã quỳ, bạn sẽ gặp dã quỳ ngay dọc đường quốc lộ 6.
- Khoảng từ tháng 4-8 Mộc Châu không có gì đặc biệt nhưng cũng còn rất nhiều điểm đến thú vị cho bạn như : Đồi chè Mộc Châu , Thác Dải Yếm …
Mộc Châu mùa hoa đào (Ảnh – NQA – OngBom) |
Mộc Châu mùa hoa dã quỳ (Ảnh – break_away) |
Hướng dẫn đi tới Mộc Châu
Cách Hà Nội khoảng gần 200km và cách trung tâm Tp Sơn La khoảng hơn 100km, hiện tại các bạn chỉ có thể di chuyển tới Mộc Châu duy nhất bằng phương tiện đường bộ.
Đi tới Hà Nội
Với những bạn ở miền Trung và Nam, để tới được Mộc Châu các bạn cần có mặt ở Hà Nội, tới bến xe Mỹ Đình trước khi di chuyển tiếp. Có một số tuyến xe đường dài từ các tỉnh đi Sơn La và sẽ đi qua Mộc Châu nhưng có lẽ không tiện bằng việc tới Hà Nội trước rồi sau đó di chuyển đi Mộc Châu. Hầu hết các xe giường nằm đi qua Mộc Châu sẽ khởi hành vào khoảng chiều tối.
Máy bay
Các chuyến bay từ các tỉnh ra Hà Nội được khai thác hàng ngày với sự tham gia của tất cả các hãng hàng không trong nước cùng rất nhiều múi giờ bay. Tuy nhiên, tùy vào cách đi tiếp lên Mộc Châu các bạn nên chọn thời điểm bay cho phù hợp nhé.
- Nếu xác định tới Hà Nội rồi đi ngay lên Mộc Châu, các bạn nên bay những chuyến sao cho thời gian hạ cánh ở Nội Bài khoảng 16h, sau khi làm thủ tục xong thì di chuyển về bến xe vẫn có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi trước khi lên xe. Nếu đi theo nhóm đông khoảng 3-4 người trở lên, các bạn hãy bắt taxi, nếu đi một mình hoặc muốn tiết kiệm chi phí các bạn hãy sử dụng tuyến buýt 109 có lộ trình từ Nội Bài về Mỹ Đình, xe đỗ ở sân đỗ P2 nhà ga T1.
- Nếu xác định về Hà Nội nghỉ ngơi rồi thuê xe máy từ Hà Nội để đi Mộc Châu, các bạn có thể chọn các chuyến bay có giờ hạ cánh sao cho phù hợp với kế hoạch cá nhân của mình.
Tàu hỏa
Tương tự như đi máy bay, nếu đi bằng tàu hỏa và muốn di chuyển luôn lên Mộc Châu trong ngày hôm đó, các bạn hãy đi tàu SE8, tàu sẽ dừng ở ga Hà Nội lúc 15h30.
Từ ga Hà Nội các bạn ra cửa ga, bắt tuyến xe buýt 49 rồi xuống ở điểm Đại học Quốc Gia, tại đây có thể đi bộ hoặc đi tiếp tuyến buýt 34 để tới bến xe Mỹ Đình.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 10/2020)
Đi từ Hà Nội tới Mộc Châu
Phương tiện công cộng
Nằm trên trục đường quốc lộ 6 đi một số tỉnh Tây Bắc nên các bạn có thể sử dụng các phương tiện công cộng có lộ trình đi qua chặng này. Hiện các tuyến xe giường nằm từ Hà Nội đi Sơn La hay từ Hà Nội đi Điện Biên đều sẽ đi qua Mộc Châu, tuy nhiên do các xe này thường khởi hành từ Hà Nội vào khoảng 19-20h nên thời gian lên đến Mộc Châu sẽ vào buổi đêm, nếu đi theo cách này các bạn nhớ chọn những khách sạn hay nhà nghỉ ở Mộc Châu gần đường Quốc lộ 6 để tiện xuống.
Nếu sắp xếp được thời gian đi ban ngày, từ bến xe Mỹ Đình sẽ có xe đi trực tiếp Mộc Châu khoảng 12h trưa, các bạn có thể liên hệ nhà xe Tuấn Huyền để hỏi thêm thông tin 0212 3867478 – 0212 3668558 – 0947 867478 – 0986 373999. Các bạn cũng có thể đến bến xe Sơn La (trên đường Nguyễn Trãi) cũng có khá nhiều xe đi vào ban ngày.
Xem thêm bài viết: Xe chất lượng cao đi Mộc Châu (Cập nhật 10/2020)
Phương tiện cá nhân
Nếu muốn đến Mộc Châu bằng phương tiện cá nhân các bạn chỉ cần di chuyển dọc theo tuyến đường QL6. Đây là tuyến đường chính khá quan trọng nên lưu lượng giao thông tương đối đông, cung đường về cơ bản dễ đi, không quá khó đối với các bạn đã có kinh nghiệm đi xe đường dài. Hầu hết các loại xe máy phổ thông đều có thể chạy tới Mộc Châu dễ dàng, tương tự như vậy với ô tô, các dòng xe nhỏ như KIA Morning, Hyundai i10… cũng không gặp khó khăn gì trên chặng đường này. Sử dụng phương tiện cá nhân, các bạn có thể kết hợp chuyến đi Mộc Châu với các địa điểm du lịch hấp dẫn ở Hòa Bình như Kim Bôi, Thung Nai, Mai Châu….
Đi lại ở Mộc Châu
Taxi
Nếu đi bằng ô tô khách lên Mộc Châu, không quen với việc đi bằng xe máy và các bạn có một nhóm khoảng 4-5 người thì có thể sử dụng phương tiện taxi. Một số hãng taxi đang hoạt động ở Mộc Châu như:
- Hương Sen: 0212 3567567
- Sao Xanh: 0212 6262626
- Thảo Nguyên Xanh: 0212 3868686
Thuê xe máy
Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 200km về phía Tây Bắc theo hướng đi Sơn La. Bạn có thể di chuyển tới Mộc Châu bằng xe máy cá nhân từ Hà Nội hoặc di chuyển tới Mộc Châu bằng xe giường nằm rồi sau đó thuê xe để tham quan Mộc Châu. Tham khảo 2 bài viết dưới đây để lựa chọn cho mình phương tiện phù hợp nhé.
Xem thêm bài viết: Các địa điểm cho thuê xe máy ở Mộc Châu (Cập nhật 10/2020)
Lưu trú ở Mộc Châu
Mộc Châu có 2 thị trấn đó là Thị trấn Mộc Châu và Thị trấn Nông trường Mộc Châu, tại cả 2 nơi này đều có rất nhiều khách sạn nhà nghỉ cho các bạn lựa chọn. Nếu lên Mộc Châu vào các dịp cuối tuần hay các ngày nghỉ lễ các bạn nên gọi điện đặt phòng trước để chắc chắn không phải gặp bối rối khi lên tới nơi rồi mà lại không thể tìm được phòng.
Khách sạn ở Mộc Châu
Trước kia, đến với Mộc Châu nếu muốn lựa chọn một khách sạn với dịch vụ tương đối ổn thì gần như không có, lựa chọn lúc đấy chỉ là khách sạn Công Đoàn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây cùng với lượng khách du lịch đến với Mộc Châu càng lớn thì số lượng khách sạn với tiêu chuẩn cao, dịch vụ tốt được đầu tư xây dựng ở Mộc Châu càng nhiều, du khách có thêm rất nhiều lựa chọn.
Địa chỉ: Đồng Sang, Mộc Châu, Sơn La
Điện thoại: 097 470 85 86
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Địa chỉ: Tiểu khu 32, Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Điện thoại: 0868 086 660
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Địa chỉ: Tiểu khu 12 Thị trấn Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Địa chỉ: Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La
Điện thoại: 091 112 23 03
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Địa chỉ: QL 43, Mộc Châu, Sơn La
Điện thoại: 0329 796 182
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Top các khách sạn tốt tại Mộc Châu (Cập nhật 10/2020)
Nhà nghỉ ở Mộc Châu
Nếu không có nhu cầu quá cao về nơi ở thì nhà nghỉ là nơi khá phù hợp với hầu hết mọi người, nhất là các bạn đi theo nhóm đông bởi số lượng phòng nhiều, chi phí rẻ. Với nhiều bạn đi xe khách đêm lên Mộc Châu, lựa chọn những nhà nghỉ dọc tuyến QL6 cũng sẽ tiện hơn bởi không mất công di chuyển thêm một chặng khác ngay sau khi xuống xe.
Homestay ở Mộc Châu
Cùng với nhu cầu ở homestay của các bạn trẻ yêu thích du lịch, Mộc Châu cũng dần bắt kịp xu thế với rất nhiều homestay xinh xắn được xây dựng để phục vụ nhu cầu có một nơi ở giá rẻ cũng như có một điểm thật đẹp để có những bức ảnh “sống ảo”.
Xem thêm bài viết: Danh sách các homestay ở Mộc Châu (Cập nhật 10/2020)
Ngoài các homestay ở trung tâm Mộc Châu, các bạn có thể đến với một vài khu vực như Rừng Thông Bản Áng, khu vực Vân Hồ (trước kia thuộc Mộc Châu, nay được tách riêng thành huyện mới) để lưu trú. Những khu vực này có rất nhiều homestay dạng nhà sàn do chính người dân bản địa đầu tư xây dựng và quản lý.
Xem thêm bài viết: Homestay ở Vân Hồ, Sơn La (Cập nhật 10/2020)
Chi phí đi Mộc Châu
Các địa điểm tham quan tại Mộc Châu
Bản đồ du lịch Mộc Châu
Bản Thung Cuông (Thông Cuông)
Thung Cuông (Thông Cuông) là một bản người Mông nằm giữa 2 xã Đông Sang của Mộc Châu và Xuân Nha của Vân Hô (Một huyện mới thành lập được tách ra từ Mộc Châu). Đường dẫn vào Thung Cuông với 2 bên là những thung lũng cải trắng mênh mông được trồng dày đặc. Đây cũng là một trong những điểm chụp ảnh cưới yêu thích của các bạn trẻ.
Xem thêm bài viết : Thông Cuông mùa cải trắng
Bản Pa Phách
Pa Phách dưới là bản của người Thái. Pa Phách trên gồm có 3 bản : Pa Phách 1,2 và 3 của người Mông . Trước kia bản Pa Phách 1 thuộc xã Vân Hồ, mới nhập vào xã Đông Sang từ năm 2002.
Đường lên Pa Phách khá hiểm ,vượt qua liên tiếp những con dốc dựng đứng toát mồ hôi ,khi lên đến đỉnh nhìn xuống thấy một thung lũng ngợp trời màu xanh của mận , đào… vài mái nhà người Mông ẩn hiện giữa rừng cây . Ngó sang bên này thấy Cao nguyên Mộc Châu trải rộng tít tắp cũng đầy ắp màu xanh của cỏ non,ngô non,vài đàn bò sữa nhẩn nha gặm cỏ …
Do địa hình nằm giữa 2 dãy núi nên Pa Phách được thắt mở cao dần tạo nên 3 bản Pa Phách của người Mông xanh .Khí hậu nói chung mát mẻ trong lành ,có nhiều rừng bao quanh và đặc biệt khi chiều buông là sương mù vây kín dày đặc như lạc trong biển sương vậy.
Xem thêm bài viết : Cải trắng ở Pa Phách
Rừng thông Bản Áng
Nằm trên cao nguyên Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), bản Áng không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ; cảnh sắc thơ mộng, hữu tình mà còn lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.
Từ thị trấn nông trường Mộc Châu, bạn đi theo quốc lộ 43 khoảng 2km về phía nam sẽ đến bản Áng. Nhìn từ trên cao, bản Áng đẹp như một bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn truyền thống nằm thấp thoáng, ẩn hiện dưới bạt ngàn tán lá xanh tươi. Cạnh bản là hồ nước tự nhiên có diện tích 5ha được bao quanh bởi rừng thông xanh trồng trên những đồi đất feralít nâu đỏ. Phía xa xa, khung cảnh cao nguyên Mộc Châu, nhất là vào mùa xuân, với những đồi chè, đồng cỏ xanh mướt, hoa ban, hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng dường như đã tô điểm cho vẻ đẹp bản Áng thêm lung linh, thơ mộng.
Bản Áng là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Thái. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt (chè, cải, ngô, lúa), chăn nuôi và thủ công truyền thống (dệt thêu thổ cẩm, đan lát, đệm bông gạo). Tuy nằm giáp thị trấn Mộc Châu nhưng cư dân bản Áng vẫn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc đặc thù như kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, những làn điệu dân ca cổ, trò chơi dân gian, những lễ hội đặc trưng …Đến bản Áng, bạn sẽ có dịp trải nghiệm nếp sống hàng ngày cùng dân bản (ở nhà sàn, nằm đệm bông gạo, lên đồi hái chè, xuống suối bắt cá…); khám phá khung cảnh núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là cưỡi ngựa dạo chơi rừng thông bản Áng và thưởng thức các món đặc sản địa phương như: rượu cần, cơm lam, pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt hun khói, bê chao, “xôi tình yêu, rượu men lá, cá ống tre”, các món từ rau rừng…
Lâm viên Tây Tiến
Lâm viên Tây Tiến hay tên đầy đủ là Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại đồi Nà Bó thị trấn Mộc Châu. Thiết kế của Di tích lưu niệm Tây Tiến lấy ý tưởng từ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng – một chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến. Đến thăm quan, trải nghiệm Công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến chúng ta sẽ được cảm nhận một cách chân thực về những người lính cùng chung lý tưởng sống “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nhưng cũng đầy hào hoa và lãng mạn, họ đã đoàn kết, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Di tích được chia thành 03 khu vực, trong đó, Khu nhà đặt Văn bia tưởng niệm được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê, chắc chắn, vút cao lên trời xanh. Đó là hình ảnh của những người lính sau những ngày hành quân leo muôn trùng dốc, vượt muôn trùng đèo, chiến đấu khốc liệt lại có những giây phút ít ỏi chụm mũi súng để cùng ngơi nghỉ.
Khu hoài niệm thiết kế một đài vọng tưởng được bao quanh bằng kính trong suốt, tượng trưng cho vẻ đẹp sương khói hư ảo của núi rừng Tây Bắc. Khoảnh khắc này thăng hoa trong tâm hồn của người lính Tây Tiến- những chàng trai trí thức của đất kinh kì, hoa lệ, họ xung phong lên đường chiến đấu mang theo cả những giấc mơ Hà Nội lãng mạn đầy chất thơ.
Nhà Bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn môn”- kiến trúc cổng chào mừng thắng lợi. Đây là biểu tượng cho những chiến công, cũng như ước vọng về ngày chiến thắng ca khúc khải hoàn. Mái của Nhà bia ghi danh được thiết kế bằng kính để đón ánh sáng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lí tưởng sống quên mình vì Tổ quốc.
Mộc Châu Happly Land
Đây là một khu du lịch khá rộng nằm ở bản Lùng, xã Mường Sang. Được xây dựng trên một không gian rộng với nhiều tiểu cảnh như hình trái tim, cối xay gió… cùng với đó ở đây trồng khá nhiều các loại hoa tạo nên một khung cảnh khá đẹp và hoành tráng để các bạn tha hồ chụp ảnh.
Thác Dải Yếm
Thác Dải Yếm các tên gọi khác là “thác Nàng”, “thác Bản Vặt” nằm tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Sở dĩ thác mang tên là Dải Yếm vì theo truyền thuyết, thác là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ.
Thác Dải Yếm nằm trên dòng suối Vặt khởi nguồn từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu ở đầu bản Vặt, một bản của người Thái có lịch sử lâu đời. Suối Vặt chảy được 5 km hợp lưu với suối Bó Sập, một dòng suối lớn bắt nguồn từ bản Bó Sập giáp biên giới Việt Lào rồi chảy về đất Yên Châu. Tại nơi hợp lưu của hai suối, dòng nước gặp một vùng đá vôi và đổ xuống phía dưới tạo thành thác Dải Yếm.
Thác Dải Yếm bao gồm hai phần, thác nước phía trên rộng 70 m, thác nước phía dưới nằm cách đó 150-200 m. Vào mùa khô, thác phía dưới chỉ có một dòng chảy từ độ cao 50 m xuống triền đá ở dưới. hai thác đổ xuống với tổng chiều cao 100m, một bên được chia làm 9 tầng, bên còn lại 5 tầng. Cách giữa hai phần thác là một bãi đất phẳng thuận tiện cho việc thăm quan của du khách. Thảm thực vật trên đỉnh thác cũng khá phong phú
Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi)
Hang Dơi nằm về phía Đông-Bắc của thị trấn Mộc Châu với diện tích là 6.915 m2. Từ Hà Nội lên Sơn La theo quốc lộ 6 di tích nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Châu ở dãy núi phía bên tay phải cách đường quốc lộ 6 là 165 m. Từ quốc lộ 6 lên tới hang ta phải leo 240 bậc là tới cửa hang. Đường tới hang được tạo dáng uốn khúc, uyển chuyển làm dịu đi nỗi mệt khi du khách phải đi lên cao.
Tương truyền rằng: Từ thủa xa xưa có một con rồng thiêng bay về biển đông. Khi bay qua vùng đất này, thấy núi non hùng vĩ đất đai trù phú, khí hậu mát mẻ, cảnh trời thanh bình rồng muốn cư ngụ tại đây bèn hạ xuống ẩn mình trú ngụ tại nơi đây. Ngày nay dãy núi uốn lượn bao quanh thung lũng có những màu sắc huyền bí : trắng ngần trong lúc ban mai, xanh biếc vào buổi trưa, rực hồng trong buổi chiều, tím biếc khi hoàng hôn, đó chính là thân rồng. Khi rồng hóa đã cảm ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng rồng và dã nhả ra 7 viên ngọc để trả ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng mình (đó chính là 7 quả núi nhỏ dưới thung lũng ngày nay) miệng rồng quy về hướng Nam nhìn xuống 7 viên ngọc, đây cũng chính là cửa Hang Dơi.
Ngũ Động Bản Ôn
Ngũ Động nằm sâu trong những hẻm núi của bản Ôn (Mộc Châu) khá tách biệt với bên ngoài. Do đường vào Ngũ Động còn nhiều khó khăn nên vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ hiếm có.
Quần thể ngũ động bao gồm bốn động chính nằm trên một quả đồi và một động nằm độc lập phía đồi bên canh. Năm hang động được ví với thuyết ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hệ thống nhũ đá lung linh với nhiều hình thù độc đáo, được kết tinh qua hàng ngàn năm. Trong đó có động 3 là sâu rộng nhất và cũng là động duy nhất được trang bị hệ thống điện nhờ máy phát nhưng cũng chỉ được sử dụng vào các dịp lễ, chính vì thế bạn cần trang bị đèn pin khi tham quan động.
Đồi chè Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu vốn nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt, trải dài tít tắp suốt qua những quả đồi. Chè ở đây được trồng khắp nơi, xen lẫn với những ngôi nhà bé xinh. Đâu đó với những hàng hoa tầm xuân, hoa giấy đang nở rộ trong mờ ảo sương khiến khung cảnh trở nên mơ màng.
Khu vực Đồi chè trái tim nằm trên đường đi Ngũ Động Bản Ôn, cách Thị trấn Nông trường Mộc Châu khoảng 15km. Từ khách sạn công đoàn đi theo hướng về phía chợ 70, qua chợ khoảng gần 1km thì bên tay trái có 1 đường rẽ đi Ngũ Động, cứ đi thẳng cho đến khi gặp biển rẽ vào Ngũ Động Bản Ôn thì rẽ vào, đi khoảng 2km thì thấy đồi chè ngay bên tay phải (xem lịch trình đi tới đồi chè trái tim)
Với vô vàn các đồi chè, thật khó để có thể lựa chọn cho mình một địa điểm để có những bộ ảnh thật ưng ý. Gần nhất với thị trấn là đồi chè ở ngay phía sau nhà máy chè, cách khách sạn Công Đoàn khoảng 3km. Trên đường vào Ngũ Động Bản Ôn là con đường có nhiều đồi chè đẹp mắt với những hình dáng lạ như hình chữ S, hình sóng lượn, hình trái tim … Xa hơn chút nữa, khu đồi chè Tân Lập cách Thị trấn Nông Trường khoảng gần 20km.
Thung lũng mận Nà Ka
Có thể nói Nà Ka là một trong những thung lũng mận đẹp nhất của Mộc Châu, bởi vậy mà có người đã từng ví nơi đây vào mùa xuân đẹp như một xứ sở thần tiên. Mùa xuân, đứng trên đỉnh đèo, du khách thỏa thích phóng tầm mắt xuống thung lũng là một màu trắng kiêu sa, xinh đẹp của những bông hoa mận trải dài hết thung lũng rộng lớn, trên vách đá cheo leo, hay trên những quả đồi nhỏ ở đâu ta cũng thấy màu trắng tinh khôi của hoa mận….
Bản Phiêng Cành
Phiêng Cành là một bản nhỏ của người Mông (xã Tân Lập) rất đẹp, giản dị và ngập tràn màu sắc mỗi mùa hoa về. Cùng nằm trên cung đường đi Đồi chè Trái Tim, thung lũng mận Nà Kha nên khá tiện nếu các bạn dấn thêm một chút nữa để vào Phiêng Cành.
Cửa khẩu Lóng Sập
Là một cửa khẩu phụ, cửa khẩu Lóng Sập thuộc địa bàn xã Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La nối với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Pa Hang thuộc tỉnh Hủa Phăn của Lào. Đây cũng là nơi có mốc biên giới số 255 (Mốc Việt Lào). Nếu muốn sang tham quan chợ Lào, các bạn cũng cần phải qua trạm khai báo và làm thủ tục nhé.
Xem thêm bài viết : Các cửa khẩu giữa Việt Nam – Lào
Chợ Lào
Chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập cách chốt biên phòng chừng 30 phút đi bộ. Ngày nghỉ cũng như ngày thường nơi đây đều tấp nập người qua lại. Khách đến chợ chủ yếu là người dân tộc sát biên giới hai nước và du khách phương xa, đặc biệt vào những ngày nghỉ, số lượng này có phần tăng lên. Từ Việt Nam, du khách chỉ cần làm một vài thủ tục đơn giản là có thể bước qua đất bạn, ghé thăm và mua sắm.
Những gian hàng dựng từ vài thanh tre và bạt là đặc trưng của khu chợ Lào trên biên giới Lóng Sập. Chỉ rộng chừng 400 m2 nên các gian hàng được xếp san sát nhau cộng thêm người mua dừng chân qua lại khiến nơi này càng trở nên tấp nập. Vì nằm hẳn về địa phận của nước bạn nên người bán tại khu chợ này đa số là người Lào với trang phục truyền thống đặc trưng.
Chỉ mất chừng vài phút là đã đi hết khu chợ nhỏ bé. Hàng hóa được bày bán ở đây không phong phú và đa dạng nhưng được phân khu rõ ràng và mang đậm nét đặc trưng vốn có của người Lào. Từ phía con dốc Việt Nam tiến về đầu chợ là những nông dân bán dưa và dừa. Tiếp gần đó là những gian bán băng đĩa với tiếng nhạc Lào mở lớn phát ra từ loa. Suốt dọc đường chính xuyên qua chợ là những gian hàng bán đồ nướng nằm xen kẽ. Mùi thơm từ những xiên chân gà và cá khiến ai ấy đều muốn ăn thử một lần cho biết vị của ẩm thực Lào.
Men theo một lối nhỏ rẽ lên khu dốc trên của khu chợ là du khách tới được nơi bán các thực phẩm truyền thống và đồ gia dụng. Một vài gian bày bánh kẹo với nhãn mác của Lào, một vài gian bán dao kéo và một số dụng cụ phục vụ việc nhà nông. Đâu đó là vài gian hàng treo lên những túi bóng kính trắng, bên trong là thứ nước màu xanh đỏ bắt mắt hay món nộm cùng vài món hệt như hủ tiếu của Việt Nam. Nếu như còn đang khó chịu vì vị ngấy của xiên chân gà còn sót lại, khách có thể tiến tới phía nhỏ này để mua thêm một túi nộm đu đủ giã với giá chỉ khoảng 10.000 đồng.
Chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập có một nét đặc trưng mà không phải khu chợ nào cũng có. Đó chính là rào cản về ngôn ngữ và bán với giá cao dường như không có sự tồn tại. Người mua chỉ cần nhặt lấy món đồ mình ưng ý và chủ hàng ra hiệu tay là có thể mua bán được nhanh chóng, dễ dàng. Nếu khách chỉ có trong tay tiền Việt hoặc tiền Lào cũng không thành vấn đề vì người bán biết được giá trị và chấp nhận các mệnh giá tiền của hai nước. Thế nên nếu đi lại giữa khu chợ mà chợt cảm thấy đói bụng, khách vẫn có thể dừng lại bên một gian hàng nhỏ của phụ nữ Lào thân thiện, chỉ vào bất kỳ một món ăn nào mình thích và trả tiền theo dấu tay mà không phải lăn tăn vì sợ mua với giá đắt.
Thác Chiềng Khoa
Thác Chiềng Khoa hay còn gọi là Thác Mây là tên gọi gắn liền với truyền thuyết của lễ hội Hoa ban Xên Bản – Xên Mường. Thác nước đẹp như một dải mây trắng vờn quanh thung sâu, tung bọt trắng xoá tạo nên những làn sương nhẹ thấm mát cả một vùng.
Thác Chiềng Khoa thuộc xã Chiềng Khoa, nơi đây vốn thuộc huyện Mộc Châu cách trung tâm huyện khoảng gần 30km theo hướng đi phà Vạn Yên trên QL43. Từ khi chia tách huyện, Chiềng Khoa thuộc huyện Vân Hồ.
Đỉnh núi Pha Luông
Với độ cao hơn 2000m, Pha Luông hay còn gọi là Bờ Lung (tiếng Thái có nghĩa là núi lớn) được coi là nóc nhà của Mộc Châu nằm ở phía đông của huyện thuộc xã Tân Xuân, Chiêng Xuân thuộc khu vực biên giới Việt Lào. Trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng, rộng gần 10 ha rất phù hợp cho các hoạt động cắm trại hoặc vui chơi tập thể, tuy nhiên do tình hình an ninh không đảm bảo (do đây là khu vực các đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam)nên hiện nay các hoạt động cắm trại ngủ qua đêm chưa được phép. Các bạn muốn trekking đỉnh Pha Luông cần xin phép đồn biên phòng và phải có người bản địa dẫn đường để tránh lạc, chuyến đi của bạn cũng chỉ được phép đi trong ngày mà không được kéo dài hơn tới ngày hôm sau .Pha Luông cũng chính là địa danh nổi tiếng trong đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Ăn gì khi tới Mộc Châu
Bê Chao
Những chú bò non ở Mộc Châu khi mới sinh ra (gọi là bê) được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn – món bê chao.
Cách chế biến món bê chao không cầu kỳ, từ nguyên liệu là thịt bê ( Tuy nhiên thịt bê chao ngon nhất phải làm từ thịt của những chú bê con chỉ vừa sinh ra được 7 ngày tuổi, chỉ bú sữa bò mẹ mà chưa ăn bất cứ loại cỏ nào trên thảo nguyên. Có như vậy, món bê chao mới thơm ngon tuyệt hảo với từng miếng thịt bê giòn bì, chắc thịt, nhưng không hề khô cứng mà trái lại, rất mềm và ngọt). Thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi. Vì thịt bê còn non nên món ăn mềm, mang vị ngọt, không ngấy, không béo.
Cải Mèo
Cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Thứ cải này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên quanh các nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa. Giữa thu đến cuối thu, mang hạt giống ra rải quanh vườn, quanh rẫy mà chẳng cần rào giậu, luống bãi, cũng chẳng cần chăm bón, tưới tắm gì. Cứ thế, cây cải sẽ tự mình chắt chiu lấy nhựa sống, lấy dinh dưỡng từ những khe đất khe đá, từ cái sương lạnh của vùng núi Tây Bắc mà lớn lên. Ấy thế mà cây cải cứ xanh, cứ cao, cứ non mượt non mà, nhìn thôi đã thích mắt.
Vài năm trở lại đây do nhu cầu ăn cải mèo của khách du lịch thập phương tăng cao, nên bà con dân tộc đã biết trồng để bán, để kinh doanh, trồng thành hàng, thành luống. Dù vậy cách thức trồng vẫn còn nhiều thô sơ nên cải mèo Mộc Châu vẫn giữ được những hương vị đồng nội hoang dã của nó.
Cá suối Mộc Châu
Những chú cá suối Mộc Châu tròn lẳn, miệng cũng tròn vo. Có con bé xíu như ngón tay út, có con nhỉnh hơn hai ngón tay. Cá được rửa sạch rồi cho lên chảo chiên giòn, khi ăn có thể nhai cả thịt lẫn xương cá.
Cá hồi Mộc Châu
Là giống cá vốn chỉ sống ở vùng lạnh như châu Mỹ, châu Âu mới được nhập về nuôi thành công ở Mộc châu. Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang là món ăn sang trọng của du khách khi đến với Mộc châu. Món cá hồi ngon đôi khi không chỉ bởi hương vị của nó, người ta tìm đến thưởng thức nhiều bởi chính sự hiếu kỳ muốn một lần nếm thử. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh, cá hồi Mộc châu có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nổi bật nhất là các món như lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng…
Trong cái lạnh của Mộc châu, bên chén rượu ngô mà được thưởng thức nồi lẩu cá hồi bốc hơi nghi ngút và những loại rau rừng còn đọng sương mai chắc hẳn thực khác sẽ có được ấn tượng khó quên.
Khoai sọ Mán Mộc Châu
Nhiều người quen gọi món khoai sọ này là khoai sọ mán do người Dao vùng đất Mộc Châu (Sơn La) trồng. Một số vùng đất khác cũng có món khoai này nhưng xét về độ thơm ngon thì khoai do của người Dao là đúng chất và ngon nhất.
Hình thù của thứ khoai này cũng rất lạ, “da” của khoai giống khoai sọ và cũng có “củ mẹ, củ con”, nhưng hình dáng lại giống củ khoai dáy và khoai môn. Bổ củ khoai ra lại vàng ươm giống… khoai lang Nhật, hay cũng có củ trắng ngần. Theo nhiều người thì có mua khoai về trồng cũng không được củ, chỉ người Dao Mộc Châu trồng mới được, và cũng chỉ người Dao một số nơi như: Chiềng Sại, Chiềng Chung… trồng mới cho năng suất cao. Khoai sọ mán thường được bà con dỡ bán vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10, tháng 11. Nếu có dịp đi qua Mộc Châu vào những khoảng thời gian này, đừng quên mua một ít về làm quà cho bạn bè và gia đình nhé.
Su su Mộc Châu
Với lợi thế về đất đai, khí hậu của vùng thảo nguyên rộng lớn, hợp với các loại cây ôn đới và cận hàn đới, nên cây su su đến với Mộc Châu và phát triển rất nhanh, chất lượng quả ngon.
Dâu Tây Mộc Châu
Cách khu vực bản Áng chừng một km, có một khu vực mà tại đó vườn hoa lan và dâu tây hấp dẫn được ươm trồng thử nghiệm và cho ra trái từ vài năm nay. Dâu tây dược trồng thử nghiệm ở Mộc Châu cách đây đã 4-5 năm, đến nay nó đã khẳng định được chỗ đứng của mình bởi phù hợp với chất đất, khí hậu. Nhiều nhà vườn hiện đang mở rộng diện tích trồng để xuất về các thành phố và chế biến thành mứt, rượu…
Dâu tây được ươm trồng thử nghiệm tại Mộc Châu trong vài năm nay và thu hoạch được kết quả khả quan do phù hợp với chất đất cao nguyên cùng khí hậu miền núi mát mẻ quanh năm. Giống với thời tiết ở Đà Lạt nhưng ít mưa hơn, cao nguyên Mộc Châu đã bước đầu cho ra những trái dâu ngon lành nhưng chưa được bày bán nhiều.
Chè Mộc Châu
Hiện nay, huyện Mộc Châu có khoảng 3.000 ha chè các loại khác nhau. Những đồi chè mơn man, bát ngát đã biến Mộc Châu trở thành một viên ngọc xanh thơ mộng. Và cây chè cũng ngày càng gắn bó với cuộc sống của các dân tộc nơi đây. Đến nay, loại cây này là một trong những biểu tượng của cao nguyên Mộc Châu.
Bên cạnh đó, khách du lịch còn được thưởng thức hương vị các loại trà nổi tiếng nhất của cao nguyên Mộc Châu. Đó là San Tuyết – loại trà được chế biến từ cây chè vài trăm tuổi ở đây. Ngoài ra còn có trà Ô Long, trà Kim Tuyên… mỗi loại đều vị khác nhau nhưng không thể lẫn với các loại chè khác trong cả nước
Các sản phẩm làm từ sữa bò Mộc Châu
Với hàng trăm con bò sữa được nuôi ngay trên nông trường, các sản phẩm làm từ sữa là một trong những thứ bạn nên thử khi đặt chân tới Mộc Châu. Nếu có cơ hội hãy tận hưởng 1 ly sữa tươi nguyên chất đun nóng ngay khi vừa được vắt. Những sản phẩm làm từ sữa bò khác mà bạn cũng nên thử là sữa chua (không phải loại đóng hộp bán trong siêu thị), bơ hoặc váng sữa … bạn có thể mua những sản phẩm này trong bất kỳ nhà hàng nào trên đường vào Thị trấn.
Các lễ hội ở Mộc Châu
Tết Độc lập là một trong những Tết quan trọng của đồng bào vùng cao. Vì là Tết quan trọng nên mọi thứ cần cho tết như rượu, thịt, hương hoa, bánh trái và cờ phướn cũng đều được người dân chuẩn bị hết sức chu đáo. Hầu hết các người dân vùng cao đều hồ hởi để đón nhận ngày Tết này. Nhưng có lẽ “đậm đặc” nhất, ấn tượng nhất của ngày Tết Độc lập trong những vùng miền tôi đi qua, đã chứng kiến, được tham dự thì có lẽ phải dành cho khu vực Sơn La và đặc biệt nhất là cao nguyên Mộc Châu. Những ngày Tết Độc lập này, nếu có đến đây, bạn sẽ có những kỷ niệm vui vẻ và bình dị trong đời. Mới thấy cái nghĩa của từ tự do nó lớn lao và quý giá đến nhường nào với người dân.
Xem thêm bài viết : Tết Độc Lập của người Mông ở Mộc Châu
Lễ hội Hết Chá thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng làng bản trước mùa xuân sang, mùa của vạn vật cỏ cây đâm chồi nảy lộc, mùa của sức sống mãnh liệt tình yêu đôi lứa. Lễ hội cũng là dịp để các con nuôi tỏ lòng thành kính với người thầy chữa bệnh cho mình, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm giữa con người với con người ví như câu “Được ăn đừng quên đũa. Được ở đừng quên ơn” không nên quên ơn người đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, ốm đau. Lễ hội được tổ chức thường niên vào mùa Xuân ở Bản Áng (xã Đông Sang), Mộc Châu, Sơn La.
Nếu nói về lễ hội, có lẽ lễ hội cầu mưa của người Thái họ Lường ở bản Nà Bó 1, Mộc Châu, Sơn La là một trong những lễ hội không nặng về hình thức biểu diễn, gửi gắm nhiều thông điệp cho các thế hệ con cháu về bảo vệ và tôn trọng môi trường sống.
Xem thêm bài viết : Lễ hội cầu mưa của người Thái ở Mộc Châu
Một số lưu ý đặc biệt khi đi phượt Mộc Châu
- Nếu đi bằng xe máy các bạn cố gắng chạy xe vào thời điểm ban ngày, hạn chế chạy muộn từ sau khoảng 18h trở ra (nhất là với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm đi xe đường núi) bởi sau thời điểm này đường đi Mộc Châu thường dày đặc sương mù. Nếu đi vào mùa đông thì hầu như lúc nào cũng sẽ bị mù đặc (đoạn từ qua Mai Châu lên Mộc Châu)
- Nếu di chuyển bằng xe khách các bạn nên lựa chọn những khách sạn nhà nghỉ năm ngay mặt đường quốc lộ 6 và đặt trước bởi thường những xe này hầu hết đều chạy buổi tối do vậy khi lên tới Mộc Châu mới chỉ khoảng 1-2h sáng, nếu không đặt trước sẽ dễ mất chủ động.
- Mộc Châu là một điểm nóng về ma túy do vậy khi vào các bản của người dân (nhất là khu vực Lóng Luông) các bạn phải luôn chú ý cảnh giác, tuyệt đối không bao giờ được để đồ đạc hay xe cộ của mình ở một chỗ và bỏ đi nơi khác, nên có 1 người ở lại trông đồ bởi nếu chẳng may có một ai đó bỏ một chút ma túy vào hành lý thì bạn sẽ gặp rắc rối vô cùng lớn.
- Km 135 đoạn giáp ranh giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Mộc Châu thường có chốt liên ngành gồm CSGT, CA Huyện, Cục cảnh sát phòng chống ma túy … vì vậy nếu lực lượng này có dừng bạn lại để kiểm tra thì cũng là một việc hết sức bình thường, bạn nên giữ thái độ nhã nhặn và không chống đối. (Dựa trên một trường hợp thực tế mà Cùng Phượt được biết nên cứ cảnh báo các bạn trước.)
0 Nhận xét